Chống tranh giả bằng pháp lý

Nạn tranh giả, tranh nhái kéo dài bao lâu nay gây hỗn loạn thị trường tranh mỹ thuật trong nước. Quá bức xúc, nhiều họa sĩ tâm huyết đã quyết tìm giải pháp làm minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam
Hiện trạng tranh giả, tranh nhái không chỉ làm “loạn” thị trường mỹ thuật mà còn ảnh hưởng nặng nề đến hình ảnh quốc gia trong mắt người mua tranh nước ngoài và tạo điều kiện cho thói gian dối lên ngôi. Nhiều họa sĩ tâm huyết cho biết sẽ hợp lực đấu tranh về pháp lý chống lại những kẻ gian, dù biết sẽ rất khó khăn.

Cái xấu ngang nhiên thách thức

Họa sĩ Lê Thiết Cương lên tiếng mạnh mẽ về nạn tranh chép hiện nay. Ông cho biết tranh của mình và của rất nhiều họa sĩ nổi tiếng bị sao chép bày bán đầy đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP HCM), Nguyễn Thái Học, Hàng Trống, Hàng Gai (Hà Nội). Họa sĩ Đào Hải Phong có nhiều bằng chứng về những bức tranh giả ký tên chính ông. “Nếu bảo tôi chép lại chính tranh của tôi, tôi còn không chép được chính xác như vậy” – ông Phong thổ lộ. Họa sĩ Lim Khim Katy cũng cho biết đã thấy tranh mình bị đạo, nhái rất nhiều nhưng đành “nhắm mắt làm ngơ” và chỉ tập trung vào sáng tác.

Chẳng mấy khó khăn, họa sĩ Phạm An Hải tìm được nơi phát tán những bức tranh giả nhái bức tranh “Dư âm phố cổ” của mình. Ông còn tìm tới tận “hang ổ” của người làm tranh giả. Nhưng nỗi buồn của người sáng tác bị nhân lên gấp đôi khi người “chủ mưu” lẫn kẻ trực tiếp sao chép tranh, theo lời Phạm An Hải, là “chỗ quen thân lâu năm, anh em trong nghề cả”.

Trong lứa họa sĩ nổi danh đương đại thì họa sĩ Đào Hải Phong thuộc tốp đầu bị “đạo”, “nhái”. Họa sĩ cho biết nạn tranh nhái, tranh giả ở Việt Nam vô cùng “sôi động” và đã kéo dài mấy chục năm nay. Có tranh chép cả chữ ký, có tranh chỉ chép nửa vời, khoảng 50%-70% rồi sau đó ký tên nhận mình tự vẽ. Có tranh nhái phong cách rồi ký tên họa sĩ bị nhái. “Tranh giả càng ngày càng nhiều, mức độ càng lúc càng trầm trọng, tranh giả ngang nhiên xuất hiện trên các sàn đấu giá” – nhà sưu tập Huỳnh Nga khẳng định.

Họa sĩ Đặng Tiến chia sẻ những bức tranh trong triển lãm toàn quốc của ông vào năm 1994 vô tình lại thấy ở một cơ sở kinh doanh. Thoạt nhìn ông lại tưởng tất cả bức ở triển lãm năm 1994, được đưa về đây nhưng hóa ra không phải bởi đó là những tác phẩm nhái trắng trợn. Vụ việc gần đây khiến họa sĩ Đặng Tiến không thể không lên tiếng.

Trang web xuongtranh.vn ngang nhiên rao bán cả tranh giả ký tên nhiều họa sĩ tên tuổi. Mới đây, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn bị một tác giả trẻ khác nghiên cứu kỹ lưỡng rồi nhái toàn bộ phong cách, sao chép mọi ý tưởng rồi mang tranh sang tận Pháp để triển lãm và bán công khai mà không có bất cứ cơ quan nào lên tiếng, can thiệp.

Chống tranh giả bằng pháp lý

Đánh mất hình ảnh quốc gia

Họa sĩ Bùi Thanh Phương có quá nhiều nỗi buồn khi phải đối mặt với thực trạng tranh của danh họa Bùi Xuân Phái bị làm giả nhiều nhất Việt Nam. Chẳng kể đến các danh họa tên tuổi như Liên – Nghiêm – Sáng – Phái, mà đến lứa họa sĩ thành danh thời kỳ đầu hội họa đương đại cũng bị “đạo”, “nhái” khắp nơi, dẫn đến thiệt hại nặng nề không chỉ thuộc về cá nhân các họa sĩ mà còn là hình ảnh quốc gia.

Họa sĩ Thành Chương cay đắng trong vụ triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” treo tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM trong đó có bức tranh của ông bị làm giả ký tên Tạ Tỵ. Thành Chương tức tối đã đành mà gia đình họa sĩ Tạ Tỵ cũng rất bức xúc, đâm đơn kiện lên TAND TP HCM yêu cầu nhà sưu tập Vũ Xuân Chung bỏ tên họa sĩ Tạ Tỵ ra khỏi bức vẽ nhái tranh của họa sĩ Thành Chương.

Nhà sưu tập Huỳnh Nga buồn bã kể: “Hồi xưa, khi chúng tôi hướng dẫn khách mua nước ngoài, họ rất trân trọng tranh Việt, yêu nét đẹp Á Đông trong tranh Việt và mua nhanh, mua không cần toan tính. Nhưng sau này, khi nạn tranh nhái, tranh giả bùng nổ khách mua cũng mất lòng tin. Họ không biết làm thế nào để kiểm chứng được thật giả nên không mua nữa”.

Nghệ sĩ sẽ không cô đơn

Mặc dù vụ kiện của gia đình họa sĩ Tạ Tỵ đang đi vào ngõ cụt, đến giờ này vẫn không có cơ quan chức năng nào vào cuộc và kết luận vụ việc nhưng không phải vì thế mà các nghệ sĩ nản lòng. Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, câu chuyện xâm phạm bản quyền ở thế giới cũng có, không riêng gì Việt Nam nhưng tỉ lệ của họ nhỏ, chỉ 5%, trong khi Việt Nam thì quá trầm trọng, chiếm tới 50%. Thế nên, các họa sĩ trước khi trông đợi vào các chế tài của nhà nước thì hãy tự bảo vệ tác phẩm của mình trước.

Họa sĩ Phạm An Hải và họa sĩ Phạm Hà Hải cho biết chắc chắn trong tháng 4 và thời gian tới các họa sĩ sẽ có các hoạt động pháp lý để chống lại nạn tranh giả. Dự kiến sẽ sớm có “án điểm” để nâng cao nhận thức về việc này. Họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), cũng cho hay bà đang chuẩn bị một hồ sơ khiếu nại theo đường hành chính lên Thanh tra bộ vì vi phạm bản quyền tranh.

Họa sĩ Lê Thiết Cương nhấn mạnh: “Biết là rất khó nhưng không phải vì khó mà không làm. Là người văn minh và có tự trọng không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những việc sai trái của xã hội”.

Chung tay chống hàng giả cùng Tân Hoa Mai.

Tem chống giả SMS

Cần tạo môi trường mỹ thuật minh bạch

“Đề nghị Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh có phương án mở trong việc đăng ký bản quyền, cho đăng ký online công khai tác phẩm để giảm thiểu chi phí và thủ tục cho nghệ sĩ. Đồng thời, sẽ có một ngân hàng dữ liệu về nền mỹ thuật, để giảng dạy cho sinh viên mỹ thuật, nhà nghiên cứu, nhà sưu tập tham chiếu. Đây là lợi ích rất lớn cho tất cả các bên” – họa sĩ Phạm Hà Hải nói.

Họa sĩ Phạm An Hải đề xuất Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh thành lập hội đồng chức năng giám định tất cả những trường hợp có tranh chấp để tạo môi trường mỹ thuật minh bạch.

Họa sĩ Lê Thiết Cương đòi xử nặng hành động tiếp tay: “Tình trạng tranh giả, tranh nhái lâu nay đã thách thức toàn bộ lòng tự trọng của một xã hội. Người ta thuê nhà mặt tiền, bán đồ ăn cắp, với giá trị rất lớn, bằng thái độ rất ngang nhiên. Nếu có bị xử lý thì cũng chỉ là phạt hành chính rất nhẹ. Trong khi, lẽ ra tội buôn bán bất chính, tiêu thụ đồ giả, đồ gian phải là tội hình sự”.

Bài và ảnh: Hòa Bình

Kiểm tra, xử lý hàng giả mạo xuất xứ

(TBTCO) – Bộ Công thương sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ.

Kiểm tra, xử lý hàng giả mạo xuất xứ

Đây là nội dung chính trong Quyết định số 570/QĐ – BCĐ389BCT về thành lập Tổ công tác chuyên trách thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm đến hết năm 2020, do Bộ Công thương vừa ban hành.

Theo quyết định, kế hoạch được thực hiện trên hai nhóm nội dung chính là kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và tuyên truyền, hoàn thiện chính sách, pháp luật phòng chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng giả mạo xuất xứ.

Hoạt động này được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn một, tổ sẽ tiếp nhận thông tin và thẩm tra, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác như: Hàng giả, hàng nhái, hàng hóa không bảo đảm chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, tập trung tiến hành kiểm tra thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, mở rộng phạm vi kiểm tra đối với một số tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc hành vi vi phạm tại các thành phố: Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Nội dung này được thực hiện trong năm 2018.

Tem chống giả hologram

Giai đoạn hai, trong năm 2019, tiếp tục hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính tại 5 thành phố trực thuộc trung ương và mở rộng phạm vi đối với tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm hoặc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo xuất xứ và các vi phạm khác… tại các tỉnh biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Quảng Trị, Kiên Giang, Tây Ninh, Long An.

Giai đoạn ba, năm 2020, tổ sẽ tiến hành kiểm tra xử lý vi phạm hành chính trên diện rộng trên toàn bộ địa bàn trọng điểm gồm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để làm tốt công tác này, tổ sẽ phối hợp với lực lượng quản lý thị trường 63 tỉnh, thành phố; đồng thời, chủ động làm việc với các bộ, ban, ngành có liên quan như: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Tổng cục Hải quan…/.

Tố Uyên

Dán tem cho bưởi Năm Roi

Lần đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, Cty TNHH MTV Hương Bưởi – Mỹ Hòa ở xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) vừa triển khai dán tem chống giả cho từng trái bưởi vào siêu thị và xuất khẩu, để thoát tình trạng thật giả lẫn lộn.

Dán tem cho bưởi Năm Roi

Cô Nguyễn Thị Tha ngồi bên dây chuyền lựa bưởi, thoăn thoắt bàn tay bao từng quả bưởi Năm Roi vào túi lưới. Trái bưởi đến đây đã được chọn lựa cẩn thận, không bị thẹo hay trầy xước, dán tem đầy đủ, được một anh công nhân cho vào đầu kia cái ống để lựa theo kích cỡ, đầu này cô Tha lồng vào túi lưới, dập móc nhôm thít chặt. Bao trái theo nhiều kích cỡ lớn bé, cung cấp cho siêu thị chỉ lựa những trái nặng từ 0,7 – 2kg, còn xuất khẩu phải khoảng 1kg trở lên.

Ông chủ Hương Bưởi, anh Nguyễn Trung Hiếu sinh ra và lớn lên ở xứ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa này. Tuổi 40, da ngăm đen dáng khỏe mạnh của dân miệt vườn, anh kể bưởi đặc sản nay đã khác vài chục năm trước và theo đó, trồng trọt cũng vất vả khác xưa. Trước đây, bưởi Năm Roi trồng hoàn toàn tự nhiên, trái hầu như không bị sâu, nay lạm dụng phân và thuốc hóa học nên xuất hiện sâu phá trái, rất khó trị. Từ năm 2013, mấy chục hộ liên kết trồng bưởi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP mới có trái chất lượng như xưa.

Chạy xe vào vườn bưởi của anh Hiếu ở ấp Mỹ Phước là chạy giữa rừng bưởi Mỹ Hòa, dẫu đã qua tết hết chính vụ mà trái còn treo nhiều trên cành vươn ngang đường. Vườn anh Hiếu rộng 2ha, gần nghìn cây bưởi 15 năm, thời điểm sung sức nhất nên sum suê, từng hàng thẳng tắp với mương nước và hệ thống tưới tự động đẹp như công viên sinh thái. Thấy rõ sự đầu tư nhiều công sức tiền của để mỗi héc-ta một năm cho chừng 80 tấn trái đạt chất lượng, riêng đầu tư đường vận chuyển để trái không trầy xước đã tốn kém, vậy mà giọng anh Hiếu đượm buồn: “Ngán nhất hàng giả”.

Diện tích GlobalGAP trồi sụt những năm qua cho thấy sự lao đao của bưởi Năm Roi Mỹ Hòa. Năm đầu đạt chuẩn GlobalGAP với 20ha, năm sau tăng lên 30ha nhưng liền đó tụt xuống 17ha, luẩn quẩn tới năm 2017 trở lại 30ha và năm 2018 này lên được 50ha, của 30 nông hộ ở ba ấp. So với diện tích bưởi Năm Roi của cả xã Mỹ Hòa 1.800ha, diện tích GlobalGAP còn nhỏ bé vì theo anh Hiếu, khó phân biệt thật giả trên thị trường.

“Chúng tôi in tem giấy dán vào, khi chưa tiếng tăm thì chẳng ai quan tâm, có chút tiếng tăm là bị làm giả”, anh Hiếu kể. Để đạt tiêu chuẩn GlobalGAP phải tốn thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg trái bưởi, Hương Bưởi hỗ trợ nông dân thực hiện nhưng mấy năm qua chưa có cách gì để khẳng định giá trị trên thị trường, nhằm tăng giá bán nên kinh doanh hay bị… lỗ.

Tem hologram 3df

“Nay dán tem điện tử để người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, xác thực trái bưởi hy vọng chống được tem giả, hàng giả”, anh Hiếu bày tỏ. Tên chính thức của E-safe là “tem chống hàng giả” do Tập đoàn Viettel cung cấp, mỗi tem dán một trái, người tiêu dùng khi mua trái bưởi nếu muốn kiểm tra, cào lấy mã số trên tem và nhắn tin theo hướng dẫn trên tem sẽ được phản hồi ngay lập tức, trái bưởi có phải của Hương Bưởi – Mỹ Hòa hay không. Xác thực nguồn gốc cũng có thể vào website, App ứng dụng. “Khách hàng ở châu Âu mà chúng tôi xuất khẩu gần một ngàn tấn đều có thể truy xuất nguồn gốc dễ dàng”, anh Hiếu tươi cười.

Chuyên viên giải pháp sản phẩm của Tập đoàn Viettel Nguyễn Trung Thành cho biết thêm, tem điện tử dán vào trái bưởi rồi, không thể gỡ ra nguyên vẹn nên không thể sử dụng lại, không thể làm giả. “Tem điện tử áp dụng công nghệ mã số bí mật, các thuê bao di động Viettel, Mobifone, Vinaphone đều kiểm tra được. Hoạt động kiểm tra còn được tích điểm đổi quà, may mắn trúng thưởng để khuyến khích người tiêu dùng”, anh Thành nói.

Trước đây, khi bưởi Năm Roi GlobalGAP chưa có điều kiện truy xuất nguồn gốc, anh Hiếu thừa nhận, chính Hương Bưởi cũng bế tắc trong phát triển. Chẳng hạn, năm 2017, bưởi Năm Roi GlobalGAP chỉ có 30ha với sản lượng chừng 2.400 tấn nhưng sản lượng Hương Bưởi mua bán hơn 8.000 tấn. Ngoài niềm tin về uy tín, Hương Bưởi chưa có cách gì mạnh mẽ giúp người tiêu dùng phân biệt bưởi GlobalGAP.

“Từ năm nay đã khác, nếu được chính quyền hỗ trợ và người tiêu dùng sẵn sàng truy xuất nguồn gốc để nhận hàng chính gốc, chúng tôi kỳ vọng dần dần chỉ kinh doanh bưởi Năm Roi GlobalGAP. Tem điện tử còn cho chúng tôi khả năng nắm bắt hành vi tiêu dùng của khách hàng; mua ở đâu, khi nào, số lượng; để có kế hoạch đáp ứng tốt hơn”, anh Hiếu nở nụ cười rạng rỡ.

PHẠM DUY TƯƠNG

Tăng cường phòng chống hàng giả

(Baonghean.vn) – Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành Nội chính thực hiện tốt nhằm đảm bảo an toàn xã hội, để nhân dân được đón Tết vui tươi, an lành.
Sáng 6/2, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức hội nghị giao ban khối Nội chính tháng 2/2018. Đồng chí Nguyễn Văn Thông -Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy cho biết, trong tháng 1, các ngành trong khối Nội chính đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ của đơn vị. Lực lượng vũ trang duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ an toàn các ngày lễ lớn trong tháng, công tác nắm tình hình tại cơ sở kịp thời.

Tăng cường phòng chống hàng giả

Chống hàng giả cùng Tân Hoa Mai.

Các cơ quan chức năng đã chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền giải quyết có hiệu quả các vụ việc liên quan đến công giáo, các tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân, không để xảy ra phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho các sự kiện chính trị xã hội lớn trên địa bàn.

Công tác phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm được triển khai quyết liệt, tỷ lệ án điều tra xâm phạm TTXH đạt cao (83,9%); đã triệt xóa nhiều vụ án lớn về kinh tế, ma túy, thu giữ lớn số lượng tang vật. Công tác quản lý nhà nước về ANTT tiếp tục được tăng cường, tai nạn giao thông giảm.

Trong tháng 1, các ngành đã phát hiện 81 vụ xâm phạm TTXH; 123 vụ tội phạm ma túy, bắt giữ 149 đối tượng, thu giữ 4,4kg heroin, 11,5kg ma túy đá và 615 viên MTTH. Về tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, môi trường đã phát hiện, bắt giữ 420 vụ, 475 đối tượng, thu 2,3 tấn pháo. Trong tháng cũng xảy ra 14 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8 người, bị thương 16 người; bắt giữ 117 vụ, 432 đối tượng đánh bạc, thu giữ 825 triệu đồng.

Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp đã tăng cường công tác phối hợp trong việc điều tra, truy tố, xét xử các loại vụ án, nhất là vụ án ma túy lớn, các vụ án được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo như vụ án Hoàng Đức Bình, Nguyễn Nam Phong…

Tuy nhiên, tình hình ANTT vẫn còn những vụ việc phức tạp như các hoạt động lấn chiếm, chuyển nhượng, xây dựng các công trình tôn giáo trái phép trên địa bàn vẫn xảy ra. Các loại tội phạm về kinh tế, môi trường và tệ nạn đánh bạc có chiều hướng gia tăng. Tình trạng buôn bán trái phép, gian lận thương mại, hàng lậu, hàng giả, các hành vi liên quan đến VSATTP, buôn bán trái phép chất ma túy, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán có xu hướng tăng hơn tháng trước.

Nhiệm vụ trong tháng 2/2018, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các lực lượng vũ trang tiếp tục duy trì quân số trực sẵn sàng chiến đấu, tăng cường và làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đảm bảo an toàn cho các sự kiện chính trị, văn hóa diễn ra trên địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2018.

Tem chống giả hologram

Đồng thời, tăng cường nắm thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng đảm bảo an ninh trên tất cả các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm, mở các chiến dịch cao điểm truy quét các loại tội phạm; tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, vận chuyển, sử dụng pháo nổ.

Các cơ quan nội chính cũng tập trung giải quyết các vụ việc, vụ án đã được Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tại các kỳ giao ban trước. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý giải quyết các vụ án xảy ra tại phòng giao dịch ngân hàng Eximbank chi nhánh Đô Lương; vụ án liên quan đến kinh doanh xăng giả, kém chất lượng, các vụ chặt phá rừng…

Tiếp tục củng cố chứng cứ, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án Hoàng Đức Bình, Lê Đình Lượng, Nguyễn Viết Dũng, Nguyễn Nam Phong để đưa ra xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.

Phạm Bằng