Bảo vệ thương hiệu nông sản Hưng Yên

Để nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng sức cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, ngành chức năng, các địa phương cùng nông dân chung sức xây dựng, phát huy nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Một số nông sản của tỉnh có sức cạnh tranh tốt trên thị trường, ngày càng khẳng định uy tín với người tiêu dùng, qua đó tạo đà cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển.
Chung tay chống hàng giả cùng Tân Hoa Mai.
Bảo vệ thương hiệu nông sản Hưng Yên
Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, đến nay Hưng Yên có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm nông nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nông sản (nhãn hiệu cộng đồng), gồm: Nhãn lồng Hưng Yên; mật ong, hoa nhãn Hưng Yên; chuối tiêu hồng Khoái Châu; quất cảnh Văn Giang; gà Đông Tảo Khoái Châu; vải lai chín sớm Phù Cừ; tương Bần. Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận nông sản đã giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên, của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó, đồng thời tạo cơ sở pháp lý giúp các hộ trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh yên tâm hơn trong sản xuất, bảo tồn, nhân giống, đầu tư kinh doanh, tạo sự đồng nhất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nhãn lồng, một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh được trồng nhiều ở các huyện: Khoái Châu, Tiên Lữ và thành phố Hưng Yên. Trước đây, phần lớn người trồng nhãn chưa hiểu hết giá trị của việc xây dựng nhãn hiệu, trình độ thâm canh còn hạn chế, không đồng đều, diện tích cây nhãn cho quả ngon chiếm tỷ lệ thấp, nằm rải rác ở các hộ; việc quảng bá, giới thiệu ít được quan tâm… Trước thực trạng trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng “vườn bảo tồn gen giống nhãn lồng”, nhân và cung cấp cây giống đạt tiêu chuẩn cho nông dân, tổ chức các cuộc vận động cải tạo vườn nhãn tạp, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất giống, chăm sóc, điều tiết cho nhãn ra hoa đậu quả… Hơn 10 năm trước, Hội nhãn lồng tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhãn lồng Hưng Yên, từ đó nhãn lồng được quảng bá rộng rãi hơn. Ông Nguyễn Văn Cảnh, chủ vườn nhãn ở phường Lam Sơn (thành phố Hưng Yên) cho biết: “Từ khi nhãn lồng được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, các thành viên trong Hội nhãn lồng của tỉnh đã tự giác tuân thủ những quy trình sản xuất, thường xuyên kiểm tra chéo lẫn nhau, bảo đảm các tiêu chí chất lượng của quả nhãn lồng. Nhãn lồng có thương hiệu, hàng năm cứ đến mùa nhãn, khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tận vườn của các hội viên đặt mua với giá cao gấp 1,5 – 2 lần so với giá bán nhãn ở thị trường”.
Huyện Khoái Châu có phong trào chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi nhanh, hiệu quả của tỉnh. Trên địa bàn huyện đã hình thành những vùng chuyên canh rộng lớn như chuối tiêu hồng ngoài bãi ven sông Hồng ở các xã Tứ Dân, Ðại Tập, Ðông Ninh…; nhãn chín muộn ở các xã Hàm Tử, An Vĩ, Bình Minh; cây có múi ở các xã Bình Minh, Dạ Trạch, Ðông Tảo… Đồng chí Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện đặc biệt quan tâm tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho nông sản. Năm 2011, huyện đã phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu có sức cạnh tranh trên thị trường”; triển khai đề án “Giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao giai đoạn 2012 – 2015” của tỉnh… Quy hoạch xây dựng từng vùng sản xuất nông sản, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đào tạo nghề cho nông dân gắn với vùng sản xuất, nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Hàng năm, huyện đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ các địa phương, nông dân quảng bá nông sản thông qua các hội chợ thương mại, hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện truyền thông. Mới đây, chuối tiêu hồng Khoái Châu và gà Ðông Tảo Khoái Châu đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, chứng nhận nhãn hiệu. Trong thời gian tới huyện sẽ đề nghị cơ quan chuyên ngành công nhận nhãn hiệu tập thể cho nghệ, bưởi Khoái Châu…
Có được kết quả trên, tỉnh, các ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp như: Hỗ trợ nông dân sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu nông sản, xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận một số đặc sản của địa phương; hỗ trợ kinh phí để giúp duy trì và phát triển các nhãn hiệu, thương hiệu đã được bảo hộ, in tem nhãn, bao bì, tham gia hội chợ triển lãm… nên sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao. Tuy nhiên, nông sản của tỉnh chủ yếu vẫn tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu đạt thấp. Nguyên nhân do phần lớn nông dân chưa nhận thức, quan tâm đầy đủ đến việc xây dựng, bảo vệ nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Mặt khác, do nhãn hiệu tập thể nông sản có đặc thù là sở hữu chung của một tập thể gồm những hộ nông dân cá thể, nhưng sự gắn kết, ràng buộc chưa chặt chẽ.
Tem chống giả SMS
Sử dụng Tem chống giả cho sản phẩm của bạn.
Ðể nhãn hiệu, thương hiệu nông sản phát triển bền vững, các ngành, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân về việc xây dựng và phát triển nhãn hiệu, thương hiệu hàng hóa nông sản; quảng bá vai trò, tác dụng của sở hữu trí tuệ với việc phát triển đặc sản của địa phương; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, nhãn mác, thương hiệu. Người sản xuất phải bảo vệ và phát triển thương hiệu của sản phẩm bằng cách nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng và báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng khi phát hiện hàng nhái với sản phẩm đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, khả năng nhận biết sản phẩm để luôn là người “thông thái” khi lựa chọn mua nông sản. Tỉnh tăng cường hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, tổ chức đang sở hữu những nhãn hiệu tập thể của nông sản để duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng các kênh tiêu thụ; tiếp tục khảo sát, đánh giá khả năng phát triển nhãn hiệu, hoặc chỉ dẫn địa lý của một số đặc sản để xây dựng dự án phát triển phù hợp…
 
Đức Toản

Phải loại bỏ máy tính cầm tay giả

Ngày nay, chiếc máy tính cầm tay đã trở thành thiết bị quen thuộc trong đời sống hàng ngày, đặc biệt là trong học đường. Sự phổ biến của thiết bị này đã kéo theo nạn máy tính giả với diễn biến ngày một phức tạp và đang gieo những rủi ro, nguy hiểm cho người dùng.
Theo kết quả của các cơ quan chức năng, từ năm 2005 đến nay, Quản lý Thị trường đã kiểm tra và xử lý khoảng 1.895 vụ máy tính Casio giả, tịch thu và tiêu hủy 110.538 máy, phạt hành chính khoảng 2,4 tỷ đồng. Con số này chưa dừng lại trước tình trạng sản xuất và buôn bán máy tính giả ngày một tràn lan, tinh vi, với nhiều thủ đoạn hòng đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt lực lượng chức năng.
Phải loại bỏ máy tính cầm tay giả
Máy tính giả đủ chiêu len lỏi ra thị trường
Trong thời gian đầu, công tác chống hàng giả máy tính CASIO khá thuận lợi nên số lượng máy tính giả bị phát hiện, tịch thu khá lớn. Tuy nhiên, càng về sau thì người sản xuất và kinh doanh máy tính cầm tay giả đã có thêm nhiều thủ đoạn đối phó tinh vi hơn. Một trong những hành vi đối phó với lực lượng chức năng là chỉ trưng bày một vài mẫu hoặc vỏ hộp, còn lại cất giấu bên trong. Khi người tiêu dùng có nhu cầu thì họ đưa ra và giới thiệu đây là sản phẩm loại 2.
Còn có những trường hợp ban đầu người kinh doanh mua một lượng hàng nhất định của nhà phân phối, sau đó họ sẽ trộn lẫn hàng giả vào số lượng hàng chính hãng để bán ra thị trường. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, họ sẽ đưa ra những sản phẩm thật, chính hãng để qua mặt lực lượng chức năng.
Tình trạng buôn bán, kinh doanh máy tính cầm tay giả xen lẫn với máy tính thật vẫn đang diễn ra tại các điểm bán văn phòng phẩm, các quầy sạp trong chợ, các hộ kinh doanh nhỏ đặc biệt là các vùng nông thôn một cách âm thầm, khó kiểm soát.
 
Người tiêu dùng chủ quan với tác hại của máy tính giả
Trước hiện trạng máy tính giả tràn khắp thị trường, người tiêu dùng vẫn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sản phẩm máy tính Casio, vẫn chuộng hàng giá rẻ ,dễ tin lời chèo kéo và không mấy lo ngại về tác hại khi dùng phải máy tính giả. Chính sự chủ quan này đã khiến nhiều trường hợp bị sập bẫy hàng giả.
Thầy Trịnh Tuấn Anh giáo viên Toán trường THPT Đồng Xoài – Bình Phước nhấn mạnh: “Máy tính giả thường hay có lỗi về pin, linh kiện không tốt nên có thể gây ra sự cố về cháy nổ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dùng, thứ hai là lỗi về phần mềm, máy giả lập trình không kỹ thì dễ xảy ra lỗi mà các em học sinh không thể nào phát hiện ra lỗi đó, các em sẽ sống chung với kết quả sai ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập và thi cử”.
Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn – Giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM chia sẻ: “Việc dùng máy tính giả với những phép tính đơn giản bình thường thì không thấy sai nhưng khi vào một kỳ thi đòi hỏi nhiều phép tính phức tạp, tài nguyên của máy tính bị vét cạn thì cái sai rất dễ xảy ra và đó là cái sai không thể cứu vãn. Như nhiều thấy cô chia sẻ, khi học sinh sử dụng máy tính sai các em sẽ không biết do mình hay máy tính và tự nhiên nghi ngờ về trình độ của mình. Điều đó khiến học sinh hoang mang không biết sai từ đâu để tìm cách sửa chữa”.
 
Giải pháp nào để chống nạn máy tính giả?
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Sơn: “Chúng ta cần tìm mọi cách để sao cho máy tính giả không có cơ hội xâm nhập vào môi trường học tập. Người bán không nên vì ham chút lợi nhuận mà bán máy giả để rồi trực tiếp gây hại cho con em mình, người mua phải biết rõ thông tin sản phẩm trước khi mua, nhà phân phối tích cực tuyên truyền chống giả, các thầy cô khi giảng dạy cũng chú ý hướng dẫn kỹ cho học sinh và phụ huynh cách tránh mua phải máy tính giả”.
“Để ngăn chặn hàng giả thì nhà sản xuất cần làm kỹ hơn phần kiểm định và con tem, nhà quản lý cần kiểm soát chặt chẽ việc chống hàng giả, người dùng thì hãy là người dùng thông minh” đó là ý kiến của thầy Trịnh Tuấn Anh.
Tem chống giả tổ ong
Với máy tính Casio, tem chống giả hiện được xem là yếu tố quan trọng và đáng tin nhất giúp người dùng phân biệt ngay hàng giả hay hàng thật. Con tem mới được ra mắt vào năm 2015 do Casio Nhật Bản phối hợp với BITEX – nhà phân phối độc quyền máy tính Casio tại Việt Nam thiết kế. Tem được sản xuất theo công nghệ của Đức mà những đơn vị làm giả chưa tiếp cận được với 3 dấu hiệu đặc trưng: Hiệu ứng logo nổi 3D; Tương phản màu sắc chìm; Hiển thị chữ OK khi soi đèn laser. Thiếu 1 trong 3 đặc trưng này thì đó có thể là tem giả và máy giả.
Như vậy, ngoài việc quản lý thị trường tăng cường và xử lý mạnh tay nạn hàng giả; nhà sản xuất/phân phối tích cực trong công tác tuyên truyền chống giả; người kinh doanh không tiếp tay cho hàng giả; thì phía người dùng cũng phải tự trang bị kiến thức chống giả cho mình. Sự kết hợp cùng lúc của 4 yếu tố này sẽ sớm góp phần đẩy lui nạn hàng giả nói chung, máy tính Casio nói riêng và nâng cao ý thức tiêu dùng của người Việt.
 
Tường Lê

Hàng tết tăng gần gấp đôi so với năm ngoái

(TBKTSG Online) – Tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho thị trường hai tháng trước và trong Tết Đinh Dậu 2017 là 17.068,8 tỉ đồng, tăng 860 tỉ đồng so với Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng bình ổn là 6.851,6 tỉ đồng, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết tại buổi họp báo cáo tình hình thị trường hàng hóa từ nay đến tết, sáng 4-11.
Hàng tết tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Cùng Tân Hoa Mai chống hàng giả ngay hôm nay.
Theo bà Trang, lượng hàng chuẩn bị tết tăng 15-20% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 25-45% so với Tết Bính Thân. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị với khối lượng lớn, chi phối 35-52% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm, đường, trứng, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo… Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ 29-12-2016 đến 27-1-2017 tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sẽ hơn 9.700 tỉ đồng, hàng bình ổn hơn 3.764 tỉ đồng.
Lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu này chủ yếu từ ba nguồn chính là các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần); các chợ đầu mối (chiếm 30-40% thị phần) và các doanh nghiệp khác chiếm 10-20% thị phần.
Cụ thể như Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) chuẩn bị 105.000 tấn hàng hóa, trị giá hơn 3.084 tỉ đồng (hàng bình ổn hơn 938 tỉ đồng); Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) chuẩn bị hơn 1.405 tỉ đồng (hàng bình ổn hơn 527 tỉ đồng); ba chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền dự kiến lượng hàng khoảng 15.000-16.000 tấn/ngày.
Về giá cả hàng hóa tết, bà Huỳnh Trang cũng cho biết, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đều cam kết giữ ổn định giá, không tăng giá bán trong hai tháng trước, sau tết (từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 28-2-2017). Đồng thời, thực hiện giảm giá thêm trong hai ngày cận tết đối với các mặt hàng thiết yếu như thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm.
Ngoài ra, trong tháng cận tết nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỉ đồng; các hệ thống phân phối lớn cũng sẽ có chương trình khuyến mãi, giảm giá 15-49% cho hàng ngàn mặt hàng. Song song đó là các chuyến hàng/điểm bán lưu động sẽ cung ứng hàng hóa tới công nhân, học sinh – sinh viên, người lao động nghèo…
Tem SMS tích hợp QR Barcode
Tại buổi họp, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TPHCM cũng nhấn mạnh, ngoài việc cung ứng nguồn hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, đảo bảo an toàn chất lượng, Sở Công Thương cần phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đây phải được coi là một trong những kế hoạch trọng tâm, nhất là trong dịp lễ, tết cuối năm.

Không để hàng giả tung hoành

(Taichinh) -Sau nhiều năm quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái nhưng số vụ việc bị xử lý dường như không có dấu hiệu thuyên giảm, do nhận thức của xã hội, thói quen tiêu dùng của người dân “ham của rẻ” vẫn luôn là điểm yếu để vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng có đất tung hoành.
Không để hàng giả tung hoành.
Cục Chống hàng giả (CIB) thuộc Phòng Thương mại quốc tế (ICC) cho biết, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng giả đã trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, hàng giả hiện chiếm 5-7% thương mại toàn cầu. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp, thách thức các cơ quan chức năng, đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế nước nhà.
 
Xử phạt 30.000 vụ hàng giả
Tại tọạ đàm “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”, Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết 9 tháng năm 2016, Cục đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 29.403 vụ về hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Trong đó, giả về chất lượng công dụng 2.288 vụ, giả mạo về nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý, bao bì 1.534 vụ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 316 vụ, vi phạm về tem nhãn, bao bì hàng hóa 350 vụ và nhãn dán hàng hóa 22.850 vụ. Tổng số tiền xử phạt từ các vụ vi phạm trên là 58 tỷ đồng.
Có thể nói, vấn nạn hàng giả hàng nhái đã ở mức báo động đỏ, không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hơn 30% thuốc men ở các nước phát triển là hàng giả, và mỗi năm trên thế giới có ít nhất 700.000 người chết vì sử dụng phải thuốc giả.
Riêng ở Việt Nam, vấn nạn hàng giả hoành hành ở khắp các lĩnh vực, từ nhóm hàng thuộc lĩnh vực công nghệ cao như thiết bị máy tính, thuốc chữa bệnh đến những nhóm hàng phục vụ người tiêu dùng như quần áo, giày dép, mỹ phẩm… không những đe dọa đến sự phát triển của nền kinh tế, làm méo mó môi trường kinh doanh, bóp chết những DN làm ăn chân chính mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng người tiêu dùng.
Theo giới chuyên gia, với những thương hiệu lớn thường bị hàng giả xâm phạm, kể cả khi phát hiện, doanh nghiệp khuyến cáo đến người tiêu dùng thì cũng sẽ mất đi lượng lớn khách hàng. Bởi người tiêu dùng hiện thường có xu hướng thà không mua để đỡ “vướng” phải hàng giả.
Thực tế, người dân rất khó phát hiện được hàng giả, hàng nhái trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng hiện nay. Đại diện công ty trách nhiệm hữu hạn nhựa Song Long cho biết: “Sản phẩm giả thường giống hệt các sản phẩm chính hãng, trừ khi mang các sản phẩm giả đó đến cơ quan chức năng phân tích mới có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả”.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này, tình trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị khi mà chữ tín bị ảnh hưởng, người tiêu dùng quay lưng.
 
Xoá “điểm yếu”, giảm hàng giả
Trước sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại các thành phố lớn đã được đẩy lùi một bước, song lại “nở rộ” ở các vùng nông thôn. Theo lý giải của các chuyên gia là do người dân vẫn còn ham của rẻ. Đây chính là “điểm yếu” của người tiêu dùng đã được các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả lợi dụng.
Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả. Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, thời gian qua, việc phối hợp kiểm tra, bắt giữ xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giữa các lực lượng thực thi đã có chuyển biến tích cực và bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo ông Trịnh Văn Ngọc, nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do việc trao đổi thông tin chưa thường xuyên, còn thiếu tính kịp thời, đôi khi phối hợp trong kiểm tra, thanh tra còn chậm trễ, ảnh hưởng đến kế hoạch hành động. Cùng với đó là nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ chưa được nâng cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng thực thi còn hạn chế và cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ.
Tem chống giả SMS
Để bài trừ vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tiến tới dẹp bỏ hoàn toàn vấn nạn này, trả lại sự trong sạch cho nền kinh tế nước nhà cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Trưởng ban chỉ đạo 389, nhấn mạnh rằng cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến để cho người dân, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nắm vững hơn các quy định của pháp luật. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật, phòng tránh buôn bán, vận chuyển hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc Quyết định số 19 của Thủ tướng về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…
“Cuộc chiến chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không thể đạt được hiệu quả như mong muốn nếu như không có sự hợp tác một cách chủ động, tích cực của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và sự tham gia của toàn xã hội” – Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
 
Theo thoibaokinhdoanh.vn